PHÌ ĐẠI TIỀN LIỆT TUYẾN: NHỮNG THÔNG TIN CẦN BIẾT

Là chủ đề buổi sinh hoạt câu lạc bộ người bệnh do Phòng Công tác xã hội phối hợp với Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu cùng Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng – Bệnh viện Bạch Mai tổ chức ngày 19/03/2024 dành cho người bệnh và người nhà người bệnh đang điều trị tại Trung tâm.

Tham gia chương trình, người bệnh và người nhà người bệnh được ThS.BS. Nguyễn Văn Cường – Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu chia sẻ về những đối tượng có nguy cơ, triệu chứng cũng như cách điều trị đối với những người bệnh này.

BS. Cường cho biết phì đại tiền liệt tuyến là bệnh lý phổ biến ở nam giới lớn tuổi, tuổi càng cao thì khả năng mắc bệnh càng nhiều. Bệnh xảy ra với 40% người bệnh ở độ tuổi từ 40 trở lên và mỗi 10 năm tỉ lệ này tăng 10%, ở độ tuổi 60 thì tỷ lệ này là 60%, ở độ tuổi trên 80 thì tỷ lệ này lên đến hơn 80%. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Những đối tượng có nguy cơ mắc phì đại tiền liệt tuyến bao gồm: Nam giới trên 40 tuổi; Gia đình có người mắc phì đại tiền liệt tuyến; Béo phì, ít tập luyện thể dục thể thao; Chủng tộc: Người da trắng và da đen có nguy cơ cao hơn; Lối sống lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, chất kích thích, uống ít nước, ăn nhiều chất béo; Rối loạn chức năng cương dương; Người bệnh mắc các bệnh lý như đái tháo đường, bệnh tim, sử dụng thuốc chẹn beta; Môi trường làm việc ô nhiễm.

BS Cường nêu rõ các triệu chứng người bệnh cần lưu ý phải đi thăm khám ngay bao gồm ba dạng: Các triệu chứng do tắc nghẽn như: Dòng tiểu yếu, tiểu ngắt quãng, khó khi bắt đầu tiểu, phải rặn trong khi tiểu, thời gian tiểu kéo dài; Các triệu chứng do kích thích: Tiểu gấp, tiểu không kiểm soát, tiểu nhiều lần ban ngày cũng như ban đêm; Cuối cùng là các triệu chứng sau đi tiểu (ít gặp hơn) như: Cảm giác tiểu chưa hết, són tiểu sau khi đi tiểu.

Cũng tại buổi sinh hoạt Câu lạc bộ người bệnh, BS. Cường nhấn mạnh các phương pháp đánh giá để phát hiện bệnh như: Siêu âm đánh giá kích thước tiền liệt tuyến; Xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư liên quan đến tuyến tiền liệt (PSA toàn phần và PSA tự do); Chụp cộng hưởng từ tiền liệt tuyến. Bên cạnh đó, biến chứng người bệnh gặp phải nếu không được điều trị kịp thời gồm: Bí tiểu cấp; Nhiễm trùng: Viêm bàng quang, viêm thận bể thận nhiễm khuẩn huyết; Bàng quang mất chức năng, sỏi bàng quang; Suy thận cấp – mạn. Cuối cùng, BS. Cường nêu rõ điều trị với bệnh lý phì đại tiền liệt tuyến gồm điều trị ngoại khoa là nút mạch tuyến tiền liệt và điều trị nội khoa bao gồm: Giảm triệu chứng giãn cơ trơn, giảm  kích thước tuyến tiền liệt.

Bên cạnh đó, tại buổi sinh hoạt CN dinh dưỡng Trần Thị Hiền đến từ Trung tâm Dinh dưỡng Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ với người bệnh và người nhà về chế độ dinh dưỡng đối với nhóm bệnh nhân suy thận mạn. CN Hiền nhấn mạnh, đối với những người bệnh suy thận mạn điều trị bảo tồn, một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học sẽ giúp kiểm soát và làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn. Tùy theo mức độ suy thận và cân nặng, chiều cao của người bệnh mà lượng thịt, cá, trứng, sữa…trong khẩu phần ăn sẽ khác nhau. Tuy giảm lượng đạm nhưng vẫn cần cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động. Gạo tẻ, gạo nếp chỉ nên ăn từ 100 đến 150g/ngày, thường xuyên sử dụng thực phẩm giàu năng lượng ít đạm như khoai loang, miến dong, bột sắn; và các loại rau ít đạm như bầu, bí xanh, mướp, rau họ cải…

Cuối chương trình, Phòng Công tác xã hội đã mang đến chương trình một số ca khúc về mẹ với mong muốn dành tặng dành tặng người bệnh và người nhà người bệnh tham gia món quà tinh thần hết sức có ý nghĩa. Chương trình đã được sự đón nhận và hưởng ứng rất nhiệt tình của những người tham gia đồng thời Ban tổ chức mong muốn trang bị cách nhận biết và điều trị sớm bệnh lý phì đại tiền liệt tuyến với những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh này.

Nguồn: https://bachmai.gov.vn/tin-chi-tiet/-/bai-viet/phi-dai-tien-liet-tuyen-nhung-thong-tin-can-biet-8984-146.html

Ý kiến bình luận
Bài viết liên quan